Trang chủ Tài nguyên Thư viện trực tuyến

Chuyên mục “Mỗi Tuần Một Câu Chuyện Đẹp, Một Cuốn Sách Hay, Một Tấm Gương Sáng”: Sự tích bánh chưng, bánh dày

10/01/2024

Trong dịp tết cổ truyền Việt Nam, trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam - đó là món bánh chưng xanh. Vì sao có bánh chưng xanh? Vì sao bánh chưng lại được đặt trân trọng trên bàn thờ trong ngày tết như vậy ? Chương trình giới thiệu sách tháng 1 với chủ điểm “Ngày tết quê em” chào đón tết Giáp Thìn năm 2024, thư viện trường Tiểu học Ba Đình xin gửi tới các thầy cô giáo và các con học sinh một cuốn sách rất ý nghĩa:  Sự tích bánh chưng, bánh dày, do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2019. Cuốn sách có khổ 14,5 x 20,5cm được in trên bìa cứng dày, với những hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt. Một điểm vô cùng thú vị của cuốn sách này, đó là cuốn sách được viết bằng song ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh.
Truyện kể rằng, ngày xưa ở nước ta, trong số các con của Vua Hùng Vương thứ 6, có một chàng hoàng tử tên là Lang Liêu. Các vị hoàng tử khác đều văn hay, võ tốt nhưng họ đều không thích lao động chân tay, chỉ có hoàng tử Lang Liêu là chăm chỉ và yêu thích trồng trọt. Chàng thường cùng vợ con về quê vỡ ruộng cuốc đất, cùng bà con nông dân trồng lúa gạo, hoa màu. Khi vua Hùng đã già yếu, muốn kén chọn người kế vị. Nhà vua phán truyền: “Đến ngày hội lớn đầu năm, trong các con, ai dâng được của ngon vật lạ nhất để cúng tế trời đất thì sẽ được ta truyền ngai vàng cho”.
Vào ngày hội lớn đầu năm, các vị hoàng tử nô nức mang các sản vật mà mình đã chuẩn bị để dâng lên nhà vua. Bên cạnh những lễ vật cầu kì đó, lễ vật của Lang Liêu lại rất đơn giản. Chàng giải thích cho sự giản đơn của lễ vật mình dâng: Lễ vật dành dâng cúng trời đất không gì có thể thay thế được lúa gạo. Trời thì tròn, còn đất thì vuông. Con đã cùng mọi người chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói thành 1 thứ bánh vuông, bọc lá xanh. Mọi người còn mang gạo nếp giã nhuyễn và nặn thành 1 thứ bánh mịn màng, tròn trịa cẩn thận. Nghe Lang Liêu tâu trình về cách làm và ý nghĩa của hai loại bánh, vua Hùng rất hài lòng và chọn lễ vật Lang Liêu dâng để tế trời đất và đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng và bánh hình tròn là bánh dày. Ông cũng chọn Lang Liêu là người nối ngôi báu. Từ đó nhân dân ta có tục gói bánh chưng và giã bánh dày trong dịp tết, chọn những cái ngon nhất đẹp nhất bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Ngoài cuốn sách “Sự tích bánh chưng, bánh dày”, thư viện trường Tiểu học Ba Đình xin giới thiệu tới các thầy cô và các bạn học sinh những cuốn sách hay và ý nghĩa nói về ngày tết cổ truyền của chúng ta như: Sự tích hoa đào, Sự tích hoa Mai,..
Để tìm hiểu thêm về ngày Tết cổ truyền và rèn luyện thêm về khả năng đọc – hiểu Tiếng Anh, xin kính mời quý thầy cô và các bạn học sinh cùng đến thư viện để tìm đọc cuốn sách thú vị này nhé!
Ban truyền thông trường TH Ba Đình
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 1 đánh giá
Chia sẻ:

Liên kết website